Thứ Sáu, 25 tháng 8, 2017

Tổng hợp tin tức thị trường bất động sản trong tháng 8

Giá nhà đất có thể tăng cao với đề xuất thuế mới

Theo Hiệp hội Bất động sản TP.HCM, đề xuất tăng thuế giá trị gia tăng (GTGT) lên 12% kể từ ngày 1/1/2019 của Bộ Tài chính sẽ dẫn đến mặt bằng giá bất động sản tăng lên, ảnh hưởng rất lớn đối với nền kinh tế, doanh nghiệp, cũng như cuộc sống của người dân. 
 

 
Tiền sử dụng đất dự án nhà ở là một khoản thu ngân sách nhà nước (gần tương tự như một khoản thuế) mà chủ dự án đã nộp; khi bán nhà ở kèm theo chuyển quyền sử dụng đất thì chủ dự án không phải nộp thuế GTGT (nghĩa là người mua nhà không phải trả thêm khoản thuế này). Do đó, dự thảo Luật dự kiến áp dụng thuế GTGT khi chuyển quyền sử dụng đất thì sẽ dẫn đến tình trạng "thuế chồng thuế", làm tăng giá bán nhà mà người mua phải gánh thêm. Chính vì vậy, ông Châu kiến nghị không áp dụng thuế GTGT khi chuyển quyền sử dụng đất.
 
Bên cạnh đó, về dự kiến nâng thuế suất thuế GTGT với phương án 1: từ 10% lên 12%; phương án 2: tăng theo lộ trình lên 12% kể từ ngày 01/01/2019 và 14% từ ngày 01/01/2021, Hiệp hội Bất động sản TP. HCM cũng cho rằng, thuế GTGT có tác động rất lớn đối với nền kinh tế, tất cả doanh nghiệp, cũng như cuộc sống của người dân. Các nước Asean như Indonesia, Lào, Campuchia cũng áp dụng thuế suất GTGT 10%; Singapore 7%, Thái Lan 5%.

Giải pháp phát triển thị trường bất động sản

Khan hiếm quỹ đất, các thủ tục hành chính, chính sách về tiền sử dụng đất còn nhiều phiền phức…, là những nguyên nhân khiến nguồn cung các dự án bất động sản (BĐS) ở TP Hồ Chí Minh giảm so với cùng kỳ các năm trước, đặc biệt là so với năm 2015 và 2016. Tìm ra các giải pháp để phát triển thị trường BĐS bền vững là vấn đề được nhiều chuyên gia, nhà hoạch định chính sách và đông đảo người dân quan tâm.
 

 
Có cái nhìn lạc quan, TS Bùi Quang Tín, Trường đại học Ngân hàng cho rằng, chưa bao giờ cơ hội sở hữu nhà lại tốt cho người dân như lúc này. Về tài chính, lãi suất ngân hàng đang ổn định và có dấu hiệu giảm dần, tạo điều kiện tốt nhất cho người mua. Đó là chưa kể, hiện nay các chủ đầu tư có nhiều chính sách hấp dẫn như: Giảm giá bán, trả trước 30% giá trị căn hộ cho đến khi nhận nhà… Những yếu tố này sẽ giúp thị trường phát triển ổn định hơn, không gặp phải tình trạng tồn kho.

Dưới góc nhìn của nhà quản lý, theo Phó cục trưởng Cục Quản lý nhà và Thị trường BĐS (Bộ Xây dựng) Vũ Văn Phấn, hiện nay Chính phủ ban hành Nghị định 01 sửa các điều liên quan đến đất đai có quy định, hỗ trợ thuận lợi hơn cho các doanh nghiệp. Đây chính là điểm tháo gỡ nút thắt cho những dự án đang gặp phải trong việc giải phóng mặt bằng.

Lại sốt địa ốc cục bộ vì thông tin mở thêm cửa sân bay Tân Sơn Nhất

Thông tin mở thêm cổng sân bay Tân Sơn Nhất đã “kích hoạt” giá nhà đất quanh khu vực tăng mạnh. Các dự án bất động sản và giá nhà đất riêng lẻ tại đây đang nóng lên từng ngày. Khu vực đường Quang Trung, Thống Nhất, giá nhà đất tăng khá nhiều. Một căn nhà phố trên đường Phạm Văn Chiêu (Gò Vấp) cách đây 1 năm được giao dịch 3,2 tỷ đồng nay đã lên 5 tỷ đồng.
 


Nóng nhất là dọc trục Trường Chinh-Cộng Hòa, giá đất tăng từ 35 triệu đồng/m2 lên 40 triệu đồng/m2; nhà đất riêng lẻ khu vực này cũng tăng từ 10% - 20% chỉ trong vòng 2 tháng. Các dự án chung cư đang triển khai khu vực này như Tham Lương Depot, Topaz Home… có tính thanh khoản rất cao.
 
Tuy nhiên, Theo các chuyên gia BĐS, thông tin mở thêm các cổng sân bay Tân Sơn Nhất mới chỉ là khởi phát và chưa có giá trị tham khảo đối với thị trường địa ốc.

Nếu đánh thuế bất động sản: Giá trị đủ lớn rồi mới tới số lượng

Nếu có áp dụng thuế sở hữu tài sản, thì tài sản bị đánh thuế chủ yếu là bất động sản (đất đai và nhà), và phải có giá trị vượt một ngưỡng nhất định. Với mức thu nhập bình quân đầu người thuộc diện trung bình thấp của Việt Nam, đánh thuế sở hữu tài sản một cách rộng rãi là chưa phù hợp. Nếu áp dụng, thì chỉ nên áp dụng đối với tầng lớp thực sự giàu và nhóm đầu cơ bất động sản.
 

 
Chưa kể, Nếu mục đích của thuế tài sản, cụ thể ở đây là bất động sản, là nhằm giảm bớt chênh lệch giàu nghèo, chống đầu cơ, và nguồn thu thuế được dùng để phát triển cơ sở hạ tầng, trường học, bệnh viện, tiện ích công cộng... ở nơi phát sinh nguồn thu thì có thể cân nhắc áp dụng.
 
Ngược lại, nếu mục đích của thuế chỉ là để trang trải cho tiêu dùng, bù đắp cho thâm hụt ngân sách ngày càng tăng do chi tiêu lãng phí của Nhà nước thì không nên. Tuy nhiên, nếu có thì việc đánh thuế tài sản cần phải được chuẩn bị kỹ về phương pháp tính thuế sao cho đúng đối tượng và đảm bảo tính khả thi về mặt kỹ thuật chứ không chỉ đơn giản là đánh thuế căn nhà thứ hai.

Di dời ga Hà Nội, không hợp lý quy hoạch?

Liên quan đến đề xuất di dời tuyến đường sắt và Ga Hà Nội ra khỏi nội đô, nhiều chuyên gia cho rằng, không thể di chuyển đường sắt quốc gia ra ngoài trung tâm trong khi nhu cầu đi lại của người dân rất lớn. Hơn nữa, đường sắt trên toàn thế giới thể hiện 2 ưu việt, đó là tính an toàn và nằm trong nội đô để đáp ứng nhu cầu đi lại thuận tiện của người dân.Nếu di chuyển ga Hà Nội ra khỏi trung tâm thành phố thì kết nối giao thông chắc chắn bị phá hủy, gây mất trật tự an toàn giao thông.
 

 
Ga Hà Nội là điểm kết nối của 6 tuyến đường sắt bao gồm đường sắt đô thị và đường sắt Bắc - Nam, hiện hệ thống đường sắt này chưa hề có điều chỉnh lớn. Đặc biệt, trong quy hoạch được Thủ tướng duyệt năm 2011, cũng đã khẳng định rõ các hệ thống tuyến đường, trong đó có tuyến ga này phải được giữ nguyên.
 
Chưa kể, đây là di sản nên phải thận trọng trong đề xuất. Mặt khác, nên tôn trọng quy hoạch đã được phê duyệt, nếu thay đổi thì phải điều chỉnh toàn bộ hệ thống hạ tầng giao thông trong đó có các tuyến đường sắt công cộng.

Đăng nhận xét

Twitter Delicious Facebook Digg Stumbleupon Favorites More